DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA ĐỊA ĐIỂM CẦU CẤM (Nghệ An): Tọa độ lửa anh hùng

Thứ năm - 07/04/2022 04:39
Cầu Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An) nút giao huyết mạch giao thông của Quốc lộ 1A; đường sắt Bắc - Nam và đường thủy (kênh Nhà Lê). Một vị trí mà đế quốc Mỹ ngày đêm ném bom nằm cắt đứt sự chi viện từ Bắc và Nam. Nơi đây, rất nhiều chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh.

Cầu Cấm được xây dựng bắc qua sông Cấm thuộc địa bàn 2 xã Nghi Yên và Nghi Quang (Nghi Lộc, Nghệ An). Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên tuyến đường bộ huyết mạch Bắc -Nam, đường sắt Bắc - Nam và đường thủy (kênh Nhà Lê). Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, địa điểm cầu Cấm là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, là trọng điểm đánh phá, oanh tạc bằng máy bay của Đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện từ Bắc vào Nam. Đồng thời, nơi đây đã chứng kiến sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân ta nhằm bảo vệ cầu Cấm, bảo vệ giao thông huyết mạch Bắc-Nam. Nơi đây, rất nhiều chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh.

Vì vị trí chiến lược này mà cầu Cấm từng được ví là "xương sống", "túi đựng bom đạn Mỹ". Để cắt đứt điểm huyết mạch này, máy bay và tàu chiến Mỹ có nhiều thời điểm ngày đêm thay nhau bắn phá cửa ngõ của trọng điểm huyết mạnh trong việc chi viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam nên đế quốc Mỹ đánh phá bằng mọi giá.

Ngày 25/3/1965, không quân Mỹ ồ ạt đánh phá cầu Cấm. Giữa năm 1966, khu vực cầu Cấm còn phải hứng chịu hàng vạn quả đạn pháo 175 ly, 230 ly từ chiến hạm của Hải quân Mỹ.

Không quân Mỹ sau những phi vụ tàn phá trong đất liền, trước khi đáp xuống hàng không mẫu hạm, chúng trút xuống cầu Cấm những quả bom, rốc-két còn sót lại. Mặt đất, mặt sông, triền núi thung lũng cầu Cấm đêm, ngày mù mịt, khét lẹt khói bom, đất cát bầm đen, trộn lẫn mảnh gang quăn queo, sắc lạnh. Người dân phải khoét vách núi, đào hầm sinh hoạt, bám đất phục vụ chiến đấu che chở cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy vượt qua trọng điểm cầu Cấm.

Cầu Cấm từng được ví là "xương sống", "túi đựng bom đạn Mỹ"
Cầu Cấm từng được ví là 'xương sống', 'túi đựng bom đạn Mỹ'
Trong năm 1967, giặc lái Mỹ trút xuống cầu Cấm 27.000 quả bom các loại, tàu chiến thuộc hạm đội 7 bắn vào 5.000 quả đạn pháo từ 175 ly đến 230 ly.

Từ ngày 27/7/1965, sau ngày ra quân của 22.000 chiến sĩ thanh niên xung phong tập trung ở các đại đội 302 - 324 - 339 - 317 - 318.

Đầu năm 1966, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An chuyển giao cho Tổng cục đường sắt 9 đại đội, biên chế vào đội 69, trực tiếp bảo đảm giao thông vận tải tuyến đường sắt từ ga Hoàng Mai vào ga Minh Cầm (Quảng Bình). Họ bám tuyến vận tải đường sắt, đường bộ chủ yếu từ ga Hoàng Mai, ga Giát, ga Yên Lý, ga Chợ Si, cầu Đò Đao, cầu Cấm, cầu Yên Xuân, ga Vinh làm nhiệm vụ sửa chữa tuyến đường sắt bị bom phá, vận chuyển hàng, sơ tán hàng và chiến đấu đánh trả giặc lái Mỹ.

Tại trọng điểm cầu Cấm ác liệt, các đại đội 815, 803, 820, 829, 333, 819, 802, 744, 203 thuộc đội 69 được cắm chốt bảo vệ “nút thắt” giao thông đường sắt trong tọa độ lửa từ năm 1966 đến ngày 31/10/1968, thời điểm Tổng thống Johnson tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Trên thực tế, cầu Cấm nằm sâu sau vĩ tuyến 20 nên vẫn trong tầm bắn phá của không quân và hải quân Mỹ bất kể lúc nào.

Cứ sau mỗi đợt bom dội, từ nơi trú quân Diễn Thọ, Diễn Lộc, Nghi Yên, Nghi Thuận, Nghi Long, các đại đội Thanh niên xung phong đường sắt, đường bộ lại hối hả đổ vào cầu Cấm. Đài quan sát của Quân khu 4 trên đỉnh 200 và mỏm 35 Thần Vũ thông báo cho lực lượng bảo đảm giao thông vị trí bị bom phá, vị trí có bom nổ chậm, bom từ trường. Các trận địa pháo phòng không K8, K9, K10 thuộc tiểu đoàn 16 chốt tại Cống Hóp, vườn Mít, trại Chè sẵn sàng nổ súng bảo vệ Thanh niên xung phong san lấp hố bom.

Tiểu đoàn 16 đã bắn rơi tại chỗ một máy bay F4H, một AD6, bắt sống giặc lái nhưng để bảo vệ mục tiêu cầu Cấm, từ năm 1966 đến năm 1968, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống tại trận địa. Hơn một nghìn ngày bảo đảm thông tuyến, thông cầu ở “túi bom, vòng cung lửa”, kể từ trận bom 26/3/1965, chiến sĩ Thanh niên xung phong Lê Bá Khương, quê xã Nam Trung, Nam Đàn, đại đội 208, đội 69 hy sinh, tới đầu năm 1968 đã có 33 cán bộ, chiến sĩ Thanh niên xung phong bị bom, đạn quân thù sát hại khi bám cầu, bám đường thông tuyến.

Tổn thất lớn nhất là vào lúc 8 giờ 30 phút tối ngày 05/02/1967, một đợt pháo kích tọa độ dội xuống đội hình Thanh niên xung phong đang hối hả san lấp hố bom phía Bắc cầu Cấm, 15 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh.

Với những ý nghĩa lịch sử của địa điểm Cầu Cấm, ngày 04/11/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3241/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Địa điểm lịch sử Cầu Cấm là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ban do Nghi Quang
Thông báo - Lịch làm việc
Chuyển đổi số
Công báo nghệ an
Thư điẹn tử
Hỏi đáp
Thông tin người phát ngôn
Thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
Thông tin doanh nghiệp, cơ hội đầu tư
Quản lý văn bản
Thông tin các dự án và các hạng mục đầu tư
Thống kê
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,380
  • Tháng hiện tại7,550
  • Tổng lượt truy cập1,034,023
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây